Tìm giải pháp tài chính cho công nghệ đèn LED trong chiếu sáng đô thị

Thay thế các hệ thống chiếu sáng công cộng từ đèn chiếu sáng thủy ngân tốn nhiều điện năng sang sử dụng công nghệ đèn LED giúp TP. Hồ Chí Minh tiết kiệm cho ngân sách 88 tỷ đồng mỗi năm và giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường. Nhưng đến nay, số đèn LED được lắp đặt còn rất hạn chế.

Cầu Ánh Sao sử dụng công nghệ đèn LED

Theo các chuyên gia, đèn LED hơn hẳn bóng đèn thường nhờ khả năng tiết kiệm điện từ 40 – 70% và tuổi thọ cao, từ 6 – 8 năm. Tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống chiếu sáng tiêu thụ hơn 162 triệu kWh điện/năm, trong đó chiếu sáng công cộng chiếm 90 triệu kWh điện/năm, tương đương ngân sách Thành phố chi trả hơn 130 tỷ đồng. Theo tính toán của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. Hồ Chí Minh, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện nay bằng đèn LED công suất 65 – 200W, Thành phố sẽ tiết kiệm được khoảng 55.315.699 kWh/năm, tương ứng 88 tỷ đồng, đồng thời giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường mỗi năm.

Nhưng việc ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị ở TP. Hồ Chí Minh triển khai còn chậm, mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm (trong số 136.869 bộ đèn chiếu sáng công cộng thì mới có 1.200 bộ đèn LED được triển khai chủ yếu tại một số tuyến đường trung tâm) do chi phí để triển khai sử dụng loại đèn này quá cao. Mỗi bộ đèn LED hiệu suất cao có giá từ 15 – 20 triệu đồng. Do vậy, số tiền bỏ ra để thực hiện dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đây được cho là rào cản lớn nhất số đèn LED được lắp đặt còn rất hạn chế.

Theo ông Huỳnh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam, hiện có 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc ứng dụng LED chưa rộng rãi đó là: Những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa rõ ràng chi tiết, kỹ thuật chất lượng đèn LED vẫn cần nhiều thời gian để kiểm nghiệm, giá thành cao, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp và nhiều nơi có chưa quy hoạch, qui định ứng dụng LED vào chiếu sáng. Mặt khác, công nghệ LED thay đổi quá nhanh do đó tại một số công trình khi một bộ phận LED bị hư thì phải thay thế toàn bộ đèn vì không có thiết bị thay thế.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, muốn phát triển công nghệ chiếu sáng LED cho đô thị cần phải có giải pháp tài chính hữu hiệu. Đồng thời, Nhà nước cần ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, linh kiện để sản xuất đèn LED và quan trọng hơn là công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công nghệ chiếu sáng LED, hướng dẫn cách sử dụng.

Hiện nay, nhiều quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp tư nhân như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Năng Lượng Việt, Công ty Bóng đèn Điện Quang,… cam kết hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh bằng giải pháp đồng đầu tư hoặc đầu tư trả chậm. Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các phương án tài chính khi thực hiện dự án lắp đèn LED tại các đô thị, thông qua sự hỗ trợ từ các ngân hàng Việt Nam.

Ông Vương Quang Trường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Bóng Đèn Điện Quang cũng cho biết, Công ty có nhiều chính sách chia sẻ tài chính với các nhà đầu tư bằng việc đầu tư trước và lấy lại chi phí bằng tiền tiết kiệm. Điện Quang hiện đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và có khả năng kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm đèn LED.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thọ – Phó Tổng giám đốc Kỹ thuật, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Năng Lượng Việt (VIET ESCO) đã chia sẻ 2 giải pháp đầu tư ESCO cho hệ thống chiếu sáng như: Đầu tư ESCO theo hình thức hợp đồng tiết kiệm và hợp đồng chia sẻ tiết kiệm. Với hai hình thức đầu tư này, Công ty ESCO sẽ bỏ kinh phí đầu tư ban đầu và thu lại chi phí đầu tư bằng tiền tiết kiệm được sau khi thực hiện cải tạo, thay thế hệ thống chiếu sáng hiện hữu bằng hệ thống chiếu sáng mới hiệu suất cao hơn.

Ông Takehiro Ogawa – Giám đốc Ủy nhiệm bộ phận quốc tế, Công ty OGAWA DENKICO., Ltd (Nhật Bản) cho biết, phía Nhật Bản đang hỗ trợ vốn thông qua các ngân hàng Việt Nam như EximBank, VietcomBank, VDB để phát triển các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam, trong đó có vấn đề chiếu sáng đô thị.

Việc cải thiện, nâng cao hiệu quả trong chiếu sáng đô thị không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh tiết kiệm chi phí mà còn tạo môi trường an toàn hơn cho những người tham gia giao thông, tạo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, hiện trên thị trường các chủng loại đèn LED chiếu sáng rất đa dạng, nên việc lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp cho chiếu sáng công cộng nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế và tái sử dụng được các trụ đèn hiện tại là hết sức quan trọng, cần ý kiến của nhiều chuyên gia, ban ngành liên quan để đưa ra những quy định, dự án phù hợp, tiến tới cải tạo hệ thống chiếu sáng theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *